Sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến thanh toán chi phí KCB
Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư số 50/2017/TT-BYT sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến thanh toán chi phí KCB. Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/3/2018.
Ảnh minh họa. Ảnh Dương Ngọc – TTXVN.
Thông tư sửa đổi một số nội dung liên quan đến các văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế về: Quy chế BV, mẫu hồ sơ bệnh án, hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành y tế, cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở KCB, sử dụng thuốc trong các cơ sở y tế có giường bệnh. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung một số hoạt chất, thuốc trong Danh mục thuốc tân dược và Danh mục thuốc đông y, thuốc từ dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT.
Thông tư 50 cũng sửa đổi, bổ sung Thông tư số 35/2016/TT-BYT (ngày 28/9/2016) ban hành Danh mục và tỉ lệ, điều kiện thanh toán đối với DVKT y tế thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT; sửa đổi, bổ sung Thông tư số 04/2017/TT-BYT (ngày 14/4/2017) ban hành Danh mục và tỉ lệ, điều kiện thanh toán đối với VTYT thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT.
Cụ thể, một số nội dung là điều kiện để cơ quan BHXH làm căn cứ thanh toán chi phí KCB BHYT đã được Thông tư sửa đổi, bổ sung như sau:
Về nhiệm vụ của bác sĩ, kỹ thuật viên chẩn đoán hình ảnh, Thông tư hướng dẫn: “Các cơ sở KCB tổ chức lưu phim chẩn đoán hình ảnh bằng bản điện tử hoặc phim chụp, trừ trường hợp khám, điều trị ngoại trú”. Theo đó, thông tin chụp phim chẩn đoán hình ảnh của người bệnh nội trú phải được thể hiện trong hồ sơ bệnh án và sổ chẩn đoán hình ảnh của cơ sở KCB. Trong trường hợp chuyển tuyến, cần chuyển các phim chẩn đoán hình ảnh kèm theo các giấy, phiếu chuyển viện. Trường hợp người được chụp phim thuộc đối tượng khám ngoại trú, thì trả phim đã chụp kèm theo bản trả lời kết quả tương ứng với phim đã chụp cho người đó. Người bệnh hoặc người đại diện của người bệnh phải ký xác nhận đã lấy phim chẩn đoán hình ảnh.
Thông tư cũng sửa đổi phạm vi hoạt động chuyên môn ghi trên chứng chỉ hành nghề như sau: Người hành nghề đã được cấp chứng chỉ hành nghề có phạm vi hoạt động chuyên môn thuộc chuyên khoa nào, thì được phép thực hiện các dịch vụ chuyên môn kỹ thuật của chuyên khoa đó, trừ trường hợp thực hiện một số phẫu thuật, thủ thuật loại đặc biệt quy định tại Thông tư số 50/2014/TT-BYT (ngày 26/12/2014) của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về việc phân loại phẫu thuật, thủ thuật và định mức nhân lực trong từng ca phẫu thuật, thủ thuật thì cần có thêm chứng chỉ, chứng nhận đào tạo phù hợp.
Sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong Thông tư số 35/2016/TT-BYT về điều kiện thanh toán đối với DVKT y tế thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT (Điểm b, Khoản 1, Điều 3), Thông tư 50 chỉ rõ: Các cơ sở KCB phải áp dụng thực hiện các tài liệu chuyên môn hướng dẫn về chẩn đoán, điều trị và quy trình kỹ thuật do Bộ Y tế ban hành hoặc do người đứng đầu cơ sở KCB ban hành áp dụng tại cơ sở (trên cơ sở căn cứ vào các tài liệu chuyên môn hướng dẫn và quy trình kỹ thuật do Bộ Y tế ban hành và điều kiện thực tế của cơ sở).
Đối với các dịch vụ KCB chưa được Bộ Y tế ban hành các hướng dẫn chuyên môn hoặc quy trình kỹ thuật, người đứng đầu cơ sở KCB xây dựng và ban hành các hướng dẫn chuyên môn hoặc quy trình kỹ thuật để thực hiện tại cơ sở, trên cơ sở tham khảo các nguồn tài liệu chính thống, có bằng chứng khoa học và phù hợp với điều kiện của cơ sở.
Khi ban hành các hướng dẫn chuyên môn hoặc quy trình kỹ thuật để thực hiện tại cơ sở, người đứng đầu cơ sở KCB có trách nhiệm gửi hướng dẫn hoặc quy trình đã ban hành đến cơ quan BHXH tỉnh nơi cơ sở KCB đặt trụ sở.
Thông tư 50 cũng công nhận tính hợp pháp của chứng từ thanh toán DVYT, trong trường hợp người hành nghề được cấp giấy chứng nhận đào tạo thay cho chứng chỉ đào tạo.
Sửa đổi, bổ sung nội dung quy định về nguyên tắc thanh toán DVKT đặt stent động mạch vành phải sử dụng nhiều hơn một stent phủ thuốc trong Thông tư số 04/2017/TT-BYT. Tại Thông tư 50, Bộ Y tế đã hướng dẫn chi tiết mức thanh toán theo từng mức hưởng của các nhóm đối tượng và trường hợp đi KCB đúng tuyến, trái tuyến… Theo đó, mức thanh toán cho tổng chi phí VTYT bao gồm stent thứ nhất và tổng VTYT khác ngoài stent trong một lần sử dụng DVKT. Ngoài ra, quỹ BHYT thanh toán thêm một phần hai (1/2) chi phí đối với stent thứ hai, theo giá mua vào của cơ sở KCB, nhưng không cao hơn 18 triệu đồng…
PV
Nguồn: //baohiemxahoi.gov.vn/tintuc/Pages/hoat-dong-bo-nganh-lien-quan.aspx?ItemID=9861&CateID=0