Quy Định Pháp Luật Về Lực Lượng Dự Bị Động Viên
Kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2020, Luật Lực lượng dự bị động viên có hiệu lực thi hành và thay thế pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên ngày 27 tháng 8 năm 1996, Luật này có 05 Chương, 41 Điều với một số quy định cụ thể sau:
1.Nguyên tắc xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên(Điều 3):
– Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự thống lĩnh của Chủ tịch nước, sự quản lý tập trung, thống nhất của Chính phủ và sự chỉ huy, chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
– Xây dựng lực lượng dự bị động viên vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, có trình độ chiến đấu cao và được quản lý chặt chẽ.
– Huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân.
– Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế – xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh; phù hợp với tình hình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
– Xây dựng, huy động đơn vị dự bị động viên bảo đảm đủ quân số, phương tiện kỹ thuật dự bị; đúng tiêu chuẩn, thời gian; bảo đảm bí mật, an toàn theo quy định của pháp luật và kế hoạch dược phê duyệt.
– Ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật, công nghệ trong xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên.
2. Trách nhiệm của quân nhân dự bị được xếp trong đơn vị dự bị động viên(Điều 4):
a) Quân nhân dự bị được xếp trong đơn vị dự bị động viên có trách nhiệm sau đây:
– Kiểm tra sức khỏe;
– Thực hiện lệnh gọi huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu;
– Thực hiện chế độ sinh hoạt đơn vị dự bị động viên và nhiệm vụ do người chỉ huy giao;
– Thực hiện lệnh huy động để bổ sung cho lực lượng thường trực của Quân đội nhân dân.
b) Quân nhân dự bị giữ chức vụ chỉ huy đơn vị dự bị động viên có trách nhiệm sau đây:
– Thực hiện quy định tại khoản 1 Điều 4;
– Nắm tình hình số lượng, chất lượng đơn vị; duy trì đơn vị sinh hoạt theo chế độ và thực hiện chế độ báo cáo;
– Quản lý, chỉ huy đơn vị khi huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu;
– Quản lý, chỉ huy đơn vị để bổ sung cho lực lượng thường trực của Quân đội nhân dân.
3. Các hành vi bị nghiêm cấm trong xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên(Điều 7):
– Trốn tránh thực hiện trách nhiệm của quân nhân dự bị, nghĩa vụ của chủ phương tiện kỹ thuật dự bị được huy động, điều động.
– Chống đối, cản trở việc xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên.
– Huy động, điều động lực lượng dự bị động viên không có trong kế hoạch được phê duyệt.
– Lợi dụng, lạm dụng việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên xâm phạm lợi ích quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
– Phân biệt đối xử về giới trong xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên.
4. Sắp xếp quân nhân dự bị vào đơn vị dự bị động viên(Điều 16):
– Sắp xếp quân nhân dự bị đủ tiêu chuẩn về sức khỏe, có chuyên nghiệp quân sự đúng với chức danh biên chế; gắn địa bàn tuyển quân với địa bàn động viên; trường hợp thiếu thì sắp xếp quân nhân dự bị có chuyên nghiệp quân sự gần đúng với chức danh biên chế.
– Sắp xếp quân nhân chuyên nghiệp dự bị, hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị được thực hiện theo thứ tự quân nhân chuyên nghiệp dự bị, hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị hạng một trước, trường hợp thiếu thì sắp xếp binh sĩ dự bị hạng hai.
– Sắp xếp quân nhân dự bị vào đơn vị dự bị động viên thuộc đơn vị bộ đội chủ lực trước, đơn vị bộ đội địa phương sau.
5. Độ tuổi quân nhân dự bị sắp xếp vào đơn vị dự bị động viên trong thời bình(Điều 17):
– Độ tuổi sĩ quan dự bị sắp xếp vào đơn vị dự bị động viên thực hiện theo quy định của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.
– Độ tuổi quân nhân chuyên nghiệp dự bị và hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị sắp xếp vào đơn vị dự bị động viên được quy định như sau:
+ Nam quân nhân chuyên nghiệp dự bị không quá 40 tuổi; hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị không quá 35 tuổi được sắp xếp vào đơn vị chiến đấu;
+ Nam quân nhân chuyên nghiệp dự bị và hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị không quá 45 tuổi; nữ quân nhân dự bị không quá 40 tuổi được sắp xếp vào đơn vị bảo đảm chiến đấu.
6. Chế độ sinh hoạt của quân nhân dự bị(Điều 23):
– Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức sinh hoạt cho quân nhân dự bị giữ chức vụ chỉ huy đơn vị dự bị động viên từ tiểu đội trưởng và tương đương trở lên.
– Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã tổ chức sinh hoạt cho quân nhân dự bị đã xếp vào đơn vị dự bị động viên.
– Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định hình thức, nội dung, thời gian sinh hoạt của quân nhân dự bị.
7. Các trường hợp huy động lực lượng dự bị động viên(Điều 24):
– Khi thực hiện lệnh tổng động viên hoặc lệnh động viên cục bộ.
– Khi thi hành lệnh thiết quân luật.
– Khi có nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội nhưng chưa đến mức ban bố tình trạng khẩn cấp.
– Để phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa, thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm./.
Nguồn: Phòng Tư pháp quận Tân Phú – Phòng PBGDPL