Phòng và điều trị bệnh thoái hóa khớp gối
Phòng và điều trị bệnh thoái hóa khớp gối
Thoái hóa khớp gối là một trong những bệnh phổ biến ở lứa tuổi trung niên và người già trong xã hội hiện đại. Bệnh cũng có thể xuất hiện ở người trẻ tuổi do những nguyên nhân như chấn thương gối, béo phì hoặc khớp biến dạng bẩm sinh.
Đặc điểm bệnh này là lớp sụn bao bọc đầu xương bị thoái hóa, bong giộp từng mảng, lộ phần xương ra. Lớp sụn khớp có chức năng như một lớp đệm giữa hai đầu xương. Khi nó bị hư hỏng thì hai đầu xương sẽ cọ xát nhau khi cử động. Hậu quả là các triệu chứng đau, sưng, hình thành gai xương và giới hạn cử động khớp. Sụn chêm cũng bị thoái hóa, mỏng, tưa và nham nhở do bị xơ hóa. Có những trường hợp nặng tổn thương cả sụn chêm.
Triệu chứng bệnh
Triệu chứng khiến người bệnh than phiền đầu tiên là đau khớp gối với tính chất cơ học, đau tăng khi vận động đặc biệt với động tác ngồi xổm hoặc khoanh chân. Tuy nhiên, ở những giai đoạn muộn có thể triệu chứng đau xuất hiện cả khi nghỉ, có dấu hiệu sưng tại khớp do phản ứng viêm. Cơn đau cũng có thể lan dọc theo bờ trong hoặc bờ ngoài xương chày. Nhiều bệnh nhân than phiền về cơn đau ở mặt trong gối, nơi bám của gân cơ chân ngỗng, ấn vào đây khiến bệnh nhân đau chói. Muộn hơn gây cứng khớp, hạn chế vận động, lệch trục khớp ảnh hưởng nhiều đến lao động và sinh hoạt của người bệnh, chất lượng cuộc sống bị giảm sút
X-quang khớp gối sẽ thấy hình ảnh gai xương, khe khớp hẹp lại vì lớp sụn khớp đã bị mòn hay mất đi. Hình ảnh đầu xương thường bị loãng, đồng thời trục khớp bị lệch, biến dạng vẹo trong hay vẹo ngoài. Tùy theo mức độ bệnh mà sẽ có những hình ảnh X-quang tương ứng.
Điều trị
Khi có các dấu hiệu đầu tiên của bệnh thì người bệnh phải điều trị ngay để hạn chế sự tiến triển của bệnh. Trước đây người ta chủ yếu dùng các thuốc giảm đau, chống viêm steroid và phi steroid để làm giảm triệu chứng đau và viêm cho người bệnh.
Điều trị thuốc:
Hiện nay loại thuốc có hiệu quả tốt trong điều trị thoái hóa khớp là Glucosamin sulfat. Thuốc này không những có tác dụng làm giảm đau, chống viêm mà quan trọng nhất là kích thích sản xuất sụn, ngăn chặn tiến triển của bệnh.
Về dược lí, Glucosamine tham gia quá trình chuyển hóa tổng hợp sụn khớp đồng thời ức chế các enzym phá huỷ sụn khớp và giảm các gốc tự do phá huỷ các tế bào sinh sụn.
Glucosamine còn kích thích sinh sản mô liên kết của xương, làm giảm quá trình mất canxi của xương. Nó cũng làm tăng sản xuất chất nhầy dịch khớp nên tăng độ nhớt, tăng khả năng bôi trơn của dịch khớp. Vì thế Glucosamine không những làm giảm triệu chứng của thoái hóa khớp (đau, khó vận động) mà còn ngăn chặn quá trình thoái hóa khớp, ngăn chặn bệnh tiến triển, tác dụng vào cơ chế bệnh sinh của thoái hóa, phục hồi lại cấu trúc sụn khớp.
Bên cạnh Glucosamine còn có những nhóm thuốc chống thoái hóa khớp tác dụng chậm khác: diacerin hay piascledine. Diacerin ức chế sự sản xuất và hoạt động của cytokine tiền viêm IL-1, ức chế phản ứng tiền dị hóa ở cả lớp nông và sâu của sụn, màng hoạt dịch, các chất căn bản như proteoglycan, acid hyaluronic và collagen typ II.
Piascledine: là chất chiết tách không xà phòng hóa của quả bơ và đậu nành, có tác dụng thay đổi cấu trúc của sụn khớp, ngăn ngừa thoái hóa sụn khớp và xương dưới sụn. Thuốc làm giảm tổng hợp các cytokinase, prostanoid, men tiêu protein, làm giảm nhẹ tác động hủy hoại sụn khớp. Thuốc có nguồn gốc thực vật nên dễ dung nạp và ít tác dụng phụ
Acid hyaluronic: Trong dịch khớp thoái hóa, nồng độ acid hyaluronic nhỏ hơn bình thường (0,8-2mg/ml so với bình thường là 2,5-3,5mg/ml). Trọng lượng phân tử của acid hyaluronic trong dịch khớp thoái hóa cũng thấp hơn (0,4-4 Mega Dalton so với bình thường là 4-5 Mega Dalton). Bổ sung acid hyaluronic có trọng lượng phân tử cao vào ổ khớp thoái hóa sẽ tạo ra được một “độ nhớt bổ sung” thực sự. Chế phẩm dùng tiêm nội khớp để tăng độ nhớt: thường sử dụng hyruan có đột nhớt tuyệt đối 295-300 centipoise, tiêm vào trong khớp trong một liệu trình điều trị. Hiện nay có một số thuốc mới như orthto visc 15mg, synvisc 8mg, go-on có độ nhớt tuyệt đối cao 55.000-56.000 centipoise. Hiệu quả kéo dài ít nhất 12 tháng. Hiện có một số chế phẩm acid hyaluronic dạng uống được điều chế dưới dạng thực phẩm chức năng giúp tăng cường dịch khớp.
Điều trị không dung thuốc:
- Tập vận động: tránh những tác động chịu lực lên khớp gối như đi bộ hay chạy. Nêntậpđạpxehoặcbơilội
- Giảm cân nếu đang thừa cân hoặc béo phì
Điều trị ngoại khoa:
Hiện nay với thoái hóa khớp gối chỉ định can thiệp ngoại khoa trong hai tình huống:
- Bệnh nhân tràn dịch khớp do thoái hóa có phản ứng viêm tái phát nhiều đợt mà điều trị nội khoa không đáp ứng
- Thoái hóa khớp gối ở giai đoạn nặng cần phẫu thuật thay khớp gối nhân tạo
Phòng ngừa:
Thoái hóa khớp dẫn trở thành bệnh lý phổ biến trong xã hội hiện đại, làm giảm chất lượng cuộc sống cũng như khả năng lao động của người bệnh. Tuy nhiên, nếu biết cách phòng và điều trị bệnh sớm thì có thể giảm thiểu được những tác hại do bệnh gây ra.
Để phòng và hạn chế thoái hóa khớp, thì ngay ở lứa tuổi ngoài 40, chúng ta cần phải tạo cho mình thói quen tập thế dục đều đặn, xây dựng một chế độ ăn uống hợp lý để tránh béo phì (quá nặng cân dễ thoái hóa khớp gối) hoặc bị tiểu đường do thoái hóa khớp rất thường gặp, dễ xảy ra nặng ở những người bệnh này. Một số hoạt động gây thoái hóa khớp sớm như khuân vác nặng, sử dụng giày hoặc dép cao gót… Đối với những người bị dạng bất thường của khớp cần được điều chỉnh sớm bằng nội và ngoại khoa để tránh tình trạng quá tải của khớp.
Như vậy, thoái hóa khớp không phải là bệnh “nan y”. Một khi chúng ta biết cách phòng bệnh ngay từ lúc trẻ hoặc phát hiện sớm triệu chứng bệnh để có biện pháp điều trị hợp lý thì nỗi lo bệnh tiến triển nặng sẽ không còn.
BS. Phạm Thu Hằng