Những chính sách có hiệu lưc kể từ tháng 11/2021
Chính sách về hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên trong cơ sở giáo dục đại học (có hiệu lực từ 02/11/2021)
Thông tư 26/2021/TT-BGDĐT quy định về hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên trong cơ sở giáo dục đại học có hiệu lực từ ngày 02/11/2021 và thay thế Thông tư 19/2012/TT-BGDĐT ngày 01/6/2012.
Trong đó, quy định trách nhiệm và quyền của người hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học như sau:
Người hướng dẫn có trách nhiệm tham gia hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học, chịu trách nhiệm về nội dung của đề tài được phân công hướng dẫn, tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc về đạo đức nghiên cứu và các quy định hiện hành.
Người hướng dẫn được tính giờ nghiên cứu khoa học, được hưởng mức thù lao và các quyền lợi khác theo quy định của cơ sở giáo dục đại học sau khi hoàn thành việc hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học.
Người hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học có kết quả xuất sắc, đạt các giải thưởng khoa học và công nghệ trong và ngoài nước hoặc các kết quả nghiên cứu được áp dụng, triển khai mang lại hiệu quả kinh tế – xã hội được ưu tiên trong việc xét chọn danh hiệu thi đua các cấp và các hình thức khen thưởng khác.
Bên cạnh đó, Thông tư cũng quy định trách nhiệm và quyền của sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học.
Theo đó, sinh viên có trách nhiệm thực hiện các nghiên cứu khoa học một cách trung thực, nghiêm túc; chịu trách nhiệm thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học dành cho sinh viên; tham gia các hội nghị, hội thảo khoa học, diễn đàn, các hoạt động khoa học và công nghệ khác trong các cơ sở giáo dục đại học; tuân thủ các quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ, hoạt động khoa học và công nghệ và các quy định khác của pháp luật hiện hành.
Sinh viên có quyền được đề xuất, đăng ký thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học; được tạo điều kiện sử dụng cơ sở vật chất và trang thiết bị sẵn có của cơ sở giáo dục đại học để thực hiện hoạt động nghiên cứu; được hỗ trợ kinh phí nghiên cứu khoa học theo định mức quy định của cơ sở giáo dục đại học; được công bố, hỗ trợ công bố kết quả nghiên cứu trên các tạp chí khoa học, kỷ yếu, các ấn phẩm khoa học và công nghệ khác trong và ngoài nước theo quy định; được hỗ trợ đăng ký quyền sở hữu trí tuệ đối với các kết quả nghiên cứu theo quy định hiện hành; được xem xét ưu tiên cộng điểm học tập, điểm rèn luyện; ưu tiên xét cấp học bổng và các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng theo quy định của cơ sở giáo dục đại học và các quyền lợi khác theo quy định.
Hướng dẫn quản lý kinh phí tập huấn, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục (có hiệu lực từ ngày 20/11/2021)
Theo Thông tư 83/2021/TT-BTC, nguồn ngân sách nhà nước (ngân sách chi sự nghiệp giáo dục – đào tạo và dạy nghề thuộc ngân sách trung ương, ngân sách địa phương theo phân cấp ngân sách) theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước: Ngân sách trung ương cấp cho Bộ Giáo dục và Đào tạo để thực hiện nhiệm vụ tập huấn, bồi dưỡng cho học viên là giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục cốt cán của các địa phương; Ngân sách địa phương để thực hiện nhiệm vụ tập huấn, bồi dưỡng cho học viên là giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục ở các địa phương.
Nguồn thu hoạt động sự nghiệp của các cơ sở giáo dục công lập. Nguồn tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; các nguồn vốn xã hội hóa, nguồn vốn huy động hợp pháp, nguồn thu khác theo quy định của pháp luật của các cơ sở giáo dục; đóng góp của học viên. Nguồn tài chính hợp pháp của các cơ sở giáo dục ngoài công lập.
Về nguyên tắc quản lý kinh phí, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm quản lý, sử dụng kinh phí đúng mục đích, có hiệu quả, công khai, minh bạch, đúng chế độ. Việc lập dự toán, thanh quyết toán kinh phí tập huấn, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, chế độ kế toán. Các cơ sở giáo dục ngoài công lập sử dụng nguồn tài chính hợp pháp của đơn vị để chi trả các khoản hỗ trợ quy định tại Khoản 6 Điều 4 Thông tư này cho học viên được cử tham dự các lớp tập huấn, bồi dưỡng.
Đánh giá năng lực tiếng Việt cho người nước ngoài (có hiệu lực từ ngày 22/11/2021)
Thông tư số 27/2021/TT-BGDĐT Ban hành Quy chế thi đánh giá năng lực tiếng Việt theo Khung năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài, dô Bộ GD&ĐT ban hành, có hiệu lực từ ngày 22/11/2021.
Quy chế này quy định về thi đánh giá năng lực tiếng Việt theo Khung năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài (thi đánh giá năng lực tiếng Việt), bao gồm: mục đích, nguyên tắc; hình thức thi; chứng chỉ; đơn vị tổ chức thi; đối tượng dự thi và đăng ký dự thi, Hội đồng thi; đề thi; tổ chức thi; chấm thi và phúc khảo; duyệt kết quả thi, quản lý chứng chỉ, báo cáo và lưu trữ hồ sơ thi; thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm.
Áp dụng đối với các cơ sở giáo dục đại học, có đào tạo ngành Văn học, Sư phạm Ngữ văn, Tiếng Việt và văn hóa Việt Nam; các Sở GD&ĐT, các đơn vị được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng tiếng Việt cho người nước ngoài; các tổ chức, cá nhân có liên quan.