Hoạt động giáo dục và đào tạo theo quy định tại Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ
Hoạt động giáo dục và đào tạo theo quy định tại Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ
Ngày 12/10/2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã ký ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP ban hành Quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.
Theo nội dung Nghị quyết, Chính phủ đặt ra mục tiêu bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân; hạn chế đến mức thấp nhất các ca mắc, ca chuyển bệnh nặng, tử vong do Covid-19; khôi phục và phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội; thực hiện mục tiêu kép, đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới sớm nhất có thể, phấn đấu trong năm 2021. Nghị quyết nếu rõ trong phòng, chống dịch phải lấy phòng dịch là cơ bản, lâu dài; y tế là lực lượng nòng cốt cùng với các lực lượng quân đội, công an,… nhưng phải huy động sự tham gia của tất cả các lực lượng, các tầng lớp trong xã hội. Phát huy vai trò của người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể trong phòng, chống dịch, trong sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt an toàn. Các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 phải được thực hiện dứt khoát, kịp thời, quyết liệt; đảm bảo hài hòa giữa các giải pháp chuyên môn y tế với các giải pháp hành chính, kinh tế – xã hội. Các giải pháp y tế phải đồng bộ giữa cách ly với xét nghiệm, điều trị, vắc xin, theo phương châm “cách ly, xét nghiệm là then chốt, vắc xin, thuốc điều trị là điều kiện tiên quyết”.
Chính phủ quy định cấp độ dịch gồm: Cấp 1: nguy cơ thấp (bình thường mới) tương ứng với màu xanh; cấp 2: nguy cơ trung bình tương ứng với màu vàng; cấp 3: nguy cơ cao tương ứng với màu cam; cấp 4: nguy cơ rất cao tương ứng với màu đỏ. Về tiêu chí đánh giá cấp độ dịch gồm: Tỷ lệ ca mắc mới tại cộng đồng/số dân/thời gian; độ bao phủ vắc xin (lưu ý nhóm tuổi có nguy cơ cao, tỷ lệ tiêm mũi thứ nhất, tỷ lệ tiêm đủ liều); khả năng thu dung, điều trị của các tuyến (lưu ý xác định rõ khả năng thu dung, điều trị hiện có và kế hoạch bổ sung). Căn cứ vào Hướng dẫn của Bộ Y tế về đánh giá và xác định cấp độ dịch và tình hình dịch trên địa bàn, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định chuyển đổi cấp độ dịch. Trong trường hợp nâng cấp độ dịch thì phải thông báo trước tối thiểu 48 giờ cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp biết, có sự chuẩn bị trước khi áp dụng.
Đối với ngành giáo dục, Chính phủ quy định đối với cấp độ 1, được tổ chức dạy học trực tiếp nhưng phải đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) và Bộ Y tế; đối với cấp độ 2, được dạy học trực tiếp hoặc phải hoạt động hạn chế (thời gian, số lượng học sinh, ngừng một số hoạt động theo hướng dẫn của Bộ GDĐT và quy định của địa phương, kết hợp với dạy, học trực tuyến và qua truyền hình); đối với cấp độ 3, chỉ được tổ chức dạy học trực tiếp hạn chế; đối với cấp độ 4, tùy địa phương có thể hoạt động hạn chế hoặc phải ngừng hoạt động.
Chính phủ giao trách nhiệm cho Bộ GDĐT phối hợp với Bộ Y tế rà soát hướng dẫn phòng, chống dịch COVID-19 trong hoạt động GDĐT; tiếp tục thực hiện các giải pháp đảm bảo thực hiện năm học 2021-2022 an toàn, hiệu quả, phù hợp với tình hình dịch bệnh COVID-19 tại từng địa phương và phối hợp với Bộ Y tế tổ chức tiêm chủng cho học sinh trong độ tuổi.
Nghị quyết số 128/NQ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày ký ban hành./.